Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

BIẾN CHẬU NHỰA HOẶC NHÔM THÀNH HỆ THỐNG ĐIỆN GIÓ

 Chỉ với những vật liệu đơn giản như chậu, thanh nhôm, kiến trúc sư Lê Vũ Cường đã tạo ra được hệ thống điện gió.

Một mô hình điện gió bao gồm motor, cột thép, hệ cánh gió, bộ điều khiển sạc, nâng áp, bình ắc-qui và bóng đèn LED 9W. Khi có gió, cánh chong chóng sẽ quay làm trục motor quay, tạo ra điện năng. Lượng điện năng này được lưu trong bình ắc quy và được sử dụng cho đèn điện thắp sáng trong hộ dân.
Hệ thống điện gió từ chậu thao nhôm, nhựa

Ý tưởng mô hình điện gió do kiến trúc sư Lê Vũ Cường, Giám đốc công ty TNHH Kiến trúc xanh, triển khai nhằm phục vụ nhu cầu chiếu sáng cho người dân làng chài. Theo tính toán của kiến trúc sư Lê Vũ Cường, với tốc độ gió ổn định khoảng 3m/s, trung bình mô hình điện gió này có thể cho ra nguồn điện 20Wh, như vậy, bóng đèn 9W của một gia đình có thể thắp sáng ổn định trong vài giờ. Có thể nói, hệ thống điện gió này giúp người dân làng chài ven sông Hồng, Hà Nội giảm bớt phần nào khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Tin liên quan:
Những mẫu đèn mô hình kiến trúc độc đáo
Mô hình dự án Hưng Gia Garden City
Với 1 triệu đồng để lắp đặt, nếu mô hình điện gió được triển khai tại những nơi thuận lợi về gió sẽ giúp người dân nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hệ thống này hoạt động theo nguyên lý: Khi có gió, hệ cánh gió sẽ quay làm trục mô tơ quay, tạo ra điện năng. Lượng điện năng này được lưu trong bình ắc quy và sử dụng cho đèn chiếu sáng trong nhà. Hệ thống chiếu sáng gồm một bóng đèn Led công suất 9W có độ sáng tương đương bóng đèn sợi đốt 60W thông thường.
Chị Huyền, một người dân tại xóm thuyền này cho biết, dự án mới thí điểm với 10 gia đình tại đây và nhận được sự hưởng ứng của người dân. Dự án đã tạo thêm được nguồn điện năng đủ thắp sáng phục vụ sinh hoạt trong khoảng 4 tiếng đồng hồ cho người dân sống trên thuyền. Tuy nhiên, nguồn điện chỉ để thắp bóng đèn tiết kiệm điện chứ chưa thể sử dụng cho những mục đích khác.
"Một số gia đình trước kia phải mua máy phát điện cũ của ô tô, nặng khoảng 30kg, rất cồng kềnh. Mỗi lần khiêng từ thuyền lên bờ đi nạp điện rất khó khăn. Không ít lần vì quá nặng, cầu ván từ thuyền lên bờ nhỏ, yếu khiến cả người lẫn máy phát điện rơi xuống sông” - chị Huyền cho biết.
Theo ông Trần Văn Xuân - một trong những hộ dân đầu tiên được sử dụng mô hình phát điện này, trước nay gia đình ông vẫn phải mua điện qua cai thầu với mức giá đắt đỏ (4.000 - 5.000 đồng/kWh) do cách xa khu dân cư, chưa kể còn phải trả thêm tiền hao phí đường dây hằng tháng. Ông Xuân cho biết thêm, dù hạn chế sử dụng ở mức thấp nhất có thể, hóa đơn tiền điện cũng từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Nếu sử dụng tủ lạnh, ti vi… giá điện còn cao hơn. Từ nay có thêm mô hình phát điện này thì những hộ dân tại đây có thể tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.

Hệ thống điện gió tiết kiệm điện


Theo chị Võ Thị Xuân Quyên (thành viên Ban quản lý Quỹ Sáng kiến trẻ em và thanh niên với biến đổi khí hậu, trực tiếp hỗ trợ dự án “Điện gió Sông Hồng”), mô hình đèn năng lượng gió "giá rẻ" này có thể dễ dàng áp dụng trong cộng đồng. Đèn năng lượng gió có nhiều ưu điểm như thi công đơn giản, giá thành thấp và phù hợp ở những khu vực gió có cường độ vừa phải như ven sông, đồi núi. “Những tua bin này không chỉ có giá thành thấp mà còn thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng đến khí hậu. Việc sản xuất điện từ quạt gió không tạo ra khí thải nhà kính. Do đó, sử dụng mô hình phát điện này còn là một cách để bảo vệ môi trường” - chị Quyên nói.
Chia sẻ về mô hình điện gió, anh Lê Vũ Cường, Giám đốc Công ty Kiến trúc Nội Thất Xanh 1516 và là thành viên Nhóm dự án “Điện gió Sông Hồng” cho biết, ý tưởng này xuất phát từ mong muốn khuyến khích mọi người tận dụng năng lượng tái tạo trong đời sống hằng ngày. Qua đó, góp phần tạo ra nhận thức về lợi ích của việc sử dụng năng lượng xanh, sạch nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. “Sau nhiều ngày khảo sát, chúng tôi chọn khu vực này để hỗ trợ cho các hộ dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, sức gió ở đây chỉ đủ để quay những máy phát điện nhỏ, không thể đưa những mô hình lớn hơn vào áp dụng. Về việc sử dụng chậu nhựa, chúng tôi nghĩ rằng đó là vật liệu dễ kiếm, rẻ, dễ thay thế, sẽ phù hợp với những hộ dân tại đây” - anh Cường cho biết thêm.
Tuy nhiên, không phải dễ dàng để có thể áp dụng ngay ý tưởng này vào cuộc sống của bà con. Anh Cường kể, khi nhóm mang ý tưởng đến đề xuất với các hộ dân thì hầu hết đều phản đối vì cho rằng không khả thi. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, nhóm cũng nhận được những cái gật đầu. Hộ dân đầu tiên đồng ý thử nghiệm là gia đình ông Trần Văn Xuân. Khi dự án thử nghiệm “Điện gió Sông Hồng” kết thúc vào tháng 6, nhóm sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động. Sau đó sẽ huy động thêm một số nguồn lực khác để tiếp tục triển khai mô hình tại các địa phương và tỉnh, thành phố, tạo thêm nguồn điện "sạch" cho người dân; đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của họ về việc sử dụng năng lượng.
Ủng hộ ý tưởng của nhóm, tuy nhiên, về vấn đề vật liệu, PGS.TS Trần Hồng Côn (Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Chậu nhựa thông thường được làm từ chất liệu PVC hoặc PE dễ bị ô xy hóa nhanh nếu phải chịu mưa, nắng. Chậu nhựa để phơi ngoài trời, có thể 6 tháng đã phải thay. Nếu thay thế bằng chậu nhôm hay thép mỏng thì độ bền có thể kéo dài hơn. Do đó, nếu tính lâu dài, thì việc dùng chậu nhựa làm quạt hứng gió lại có giá thành không rẻ...
Hệ thống điện gió rẻ tiền

Theo con số thống kê của Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2013, chỉ còn khoảng 2% hộ dân chưa có điện và Chính phủ đang nỗ lực đưa con số này về 0% vào năm 2020. Giải pháp tốt nhất để đạt được mục tiêu này là phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng từ gió và mặt trời ở khu vực nông thôn. Dự báo, tỷ lệ điện từ năng lượng gió sẽ tăng dần theo năm. Dự kiến, tổng công suất nguồn điện gió từ 140MW hiện nay sẽ lên 800MW vào năm 2020, đạt 2.000MW vào năm 2025 và 6.000MW vào năm 2030. Khi đó, tỷ lệ điện năng sản xuất từ gió tương ứng 0,8% nguồn điện cả nước năm 2020 và 2,1% năm 2030.
Như vậy có thể nói, việc tạo thêm nguồn điện "sạch" cho người dân từ các nguồn lực xã hội hóa là một giải pháp cần được nhân rộng. Điều đáng nói hơn, những giải pháp ấy đã và sẽ góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng năng lượng nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung.

(Theo mohinhkientruc.org)


EmoticonEmoticon